Ngày 13/12, trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết 2024 và Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, VITAS tổ chức hội thảo "Giải pháp thích ứng với môi trường kinh doanh biến động để phát triển bền vững". Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức từ các quy định mới của thị trường quốc tế, đặc biệt là khu vực EU.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh: "Chỉ thị về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp EU (CSDDD) sẽ có hiệu lực từ năm 2027, đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về trách nhiệm xã hội và môi trường đối với doanh nghiệp xuất khẩu vào EU".
Ông Avedis Seferian đã có bài phát biểu quan trọng về xu hướng phát triển bền vững trong ngành dệt may toàn cầu. "Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng thay đổi chưa từng có về các yêu cầu tuân thủ và phát triển bền vững trong ngành dệt may toàn cầu", ông Seferian nhấn mạnh. Theo ông, các thương hiệu lớn không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trách nhiệm xã hội và môi trường. Ông Seferian đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm sản xuất dệt may bền vững: "Với lực lượng lao động trẻ, chi phí cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có thể trở thành điểm đến hàng đầu cho các thương hiệu thời trang toàn cầu".
Bà Phan Thị Quỳnh Chi, Cán bộ cấp cao dự án IGS của GIZ cho biết, ngành dệt may đang có cơ hội lớn để phát triển theo hướng tuần hoàn. "Việt Nam có thể trở thành trung tâm tái chế dệt may của thế giới nếu tận dụng tốt nguồn phế liệu trong nước và đầu tư công nghệ tái chế tiên tiến", bà Chi nói. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam tạo ra khoảng 250.000 tấn phế liệu dệt may trước tiêu dùng, nhưng mới chỉ 60% được tái chế. Đây là nguồn nguyên liệu lớn cho ngành công nghiệp tái chế.
Bà Nguyễn Ngọc Duyên cho rằng ngành cần đào tạo lại lực lượng lao động để thích ứng với xu hướng sản xuất xanh. "Đến năm 2023, ngành dệt may có 3,39 triệu lao động nhưng tỷ lệ qua đào tạo chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu", bà Duyên chia sẻ. Để thích ứng với môi trường kinh doanh mới, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp như: Xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh phù hợp với từng doanh nghiệp, Đầu tư công nghệ tái chế tiên tiến, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về kỹ năng xanh và công nghệ số, Hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi bền vững.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết hiệp hội sẽ phối hợp với các đối tác quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các quy định mới. "Chúng tôi đang xây dựng Sách Trắng về phát triển dệt may tuần hoàn, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu trong lĩnh vực này", ông Giang nói.
Trích dẫn